Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_Krym_(1944)

Soái hạm Krasnyi Krym trở lại Sevastopol, 1944

Kết quả

Treo David Glantz, quân Đức và Rumani bị thiệt hại khá nặng, 97.000 người chiết, nhiều người trong số họ bị chết đuối trong quá trình sơ tán. Trong vụ tấn công của Hạm đội Biển Đen đánh chìm các tàu Totila và Teja ngày 10 tháng 5 đã làm thiệt mạng khoảng 10.000 quân Đức và Romania. Toàn bộ xe tăng, máy bay và pháo, cối của Tập đoàn quân 17 (Đức) tại Krym đều bị quân đội Liên Xô phá hủy và tịch thu.[24]

Theo Rolf-Dieter Müller thiệt hại của quân Đức là 31.700 chết và mất tích, khoảng 33.400 người bị thương. Quân Romania có 25.800 người chết và mất tích, khoảng 5.800 người bị thương. Tổng số thương vong của cả quân Đức và Romania là 96.700 người.[25]

Theo G. F. Krivosheev, Phương diện quân Ukraina 4 và Tập đoàn quân độc lập Duyên hải có 17.754 người chết, 67.065 người bị thương.[26] 171 xe tăng, 521 khẩu pháo bị bắn hỏng, 179 máy bay bị bắn rơi.[27]

Theo A. N. Grylov, ngoài 35.000 quân Đức và Romania bị chết trong các trận đánh trên bộ, quân Đức và Romania còn mất hơn 42.000 người trong các trận đánh trên biển do chỉ 3 trong số 13 chuyến tàu trọng tải trên 9.000 tấn sơ tán quân từ Krym về Romania đi thoát. 10 chiếc còn lại đều bị các chiến hạm của Hạm đội Biển Đen và không quân của hạm đội đánh đắm. Quân đội Liên Xô bắt 61.587 sĩ quan và binh lính của các Đức Quốc xã và Romania. Riêng tại Mũi Khersonet đã có khoảng 21.000 quân nhân Đức và Romania bị bắt, trong đó cơ hơn 100 sĩ quan cao cấp từ đại tá đến trung tướng.[17]

Theo Báo cáo số WF-03/32925 (số trang lưu trữ 1-8) ngày 23 tháng 5 năm 1944 của Phó đô đốc Helmuth Brinkmann, chỉ huy Hạm đội Biển Đen (Đức), thì trong thời gian diễn ra chiến dịch Krym, Hải quân Đức đã chuyên chở khoảng 130.000 người sơ tán khỏi Krym. Trong đó có 121.394 người được sơ tán đến Romania gồm 90.240 binh lính và sĩ quan, 15.535 thương binh, 11.359 dân thường và 4.260 tù nhân. Không quân Đức cũng di tản được 21.457 người, trong đó có 16.387 thương binh.[28]

Bản tường trình số WF-03/5072 (số trang lưu trữ 940-946) ngày 6 tháng 11 năm 1944 của Thiếu tướng Ritter von Xylander, tham mưu trưởng Tập đoàn quân 17 (Đức) cho biết Hải quân Đức đã bỏ lại khoảng 12.000 sĩ quan và binh lính Đức tại mũi Khersones và tất cả số này đều bị quân đội Liên Xô tiêu diệt hoặc bắt làm tù binh.[28]

Đánh giá

Đài kỷ niệm trận đột phá khẩu của Quân đội Liên Xô năm 1944 tại Armyansk

Nếu như cuối năm 1941 đầu năm 1942, Tập đoàn quân 11 (Đức) phải mất trọn 250 ngày mới hoàn thành việc đánh chiếm Krym và Sevastopol thì giữa năm 1944, Quân đội Liên Xô chỉ mất 35 ngày để giải phóng toàn bộ bán đảo Krym, trong đó, chỉ mất 8 ngày để đánh chiếm Sevastopol. Chiến dịch Krym (1944) là chiến dịch phối hợp hoạt động của hải, lục, không quân lớn nhất của Quân đội Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Về tổng quy mô binh lực, nó chỉ đứng sau Chiến dịch Overlord của quân Đồng minh đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1944.[17]

Các tướng lĩnh Đức Quốc xã đã sai lầm khi cho rằng quân đội Liên Xô chỉ có thể đưa vũ khí nặng như xe tăng, đại bác vào Krym thông qua eo đất Perekop hoặc theo con đường xe lửa đi qua Chongar. Việc bắc các cầu phao cỡ lớn qua vịnh lầy Sivash được ngụy trang rất kín đáo đã che giấu được "con mắt" của lực lượng trinh sát đường không Đức. Do đó, Quân đoàn sơn chiến 49 (Đức) đã tập trung binh lực cho hướng Perekop để đối phó với Tập đoàn quân cận vệ 2. Chỉ đến khi xe tăng Liên Xô bất thần xuất hiện ở Voinka, tướng Rudolf Konrad mới cho rút quân thì đã muộn. Quân đoàn xe tăng 19 và Tập đoàn quân 51 (Liên Xô) đã nhanh chóng tràn vào trung tâm bán đảo Krym và uy hiếp Simferopol.[29] Các tướng lĩnh Đức cũng không thể dự báo được quy mô tập trung binh lực rất lớn của Tập đoàn quân độc lập Duyên Hải (Liên Xô) trên một căn cứ đầu cầu rất hẹp có chiều rộng không quá 15 km và chiều sâu không quá 8 km, có chỗ chỉ 2 km. Vì vậy, mặc dù thiết lập đến ba tuyến phòng thủ trên bán đảo Kerch, trong đó có tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ rất kiên cố nhưng Quân đoàn bộ binh 5 (Đức) vẫn không thể chặn được đà tiến công nhanh chóng của Tập đoàn quân độc lập Duyên Hải.[7]

Hạm đội Biển Đen (Liên Xô) đã thực hiện thành công việc phong tỏa đường biển. Vì vậy, chỉ trong giai đoạn đầu của chiến dịch mới có 2 sư đoàn Đức được gửi đến Krym để tăng cường cho Tập đoàn quân 17 (Đức) đến Sevastopol trót lọt. Các chuyến vận tải đường biển rút quân Đức khỏi Krym đều bị các tàu nổi, tàu ngầm và máy bay Liên Xô tấn công. Tập đoàn quân không quân 4 (Đức) thiếu phi công và máy bay tác chiến trên biển cũng là một nguyên nhân làm cho các tàu nổi của quân Đức và Romania bị thiệt hại rất lớn khi đơn độc đối phó với quân đội Liên Xô từ trên mặt biển, dưới nước và trên không.[30]

Trong chiến dịch, pháo binh Liên Xô được tập trung ở mật độ rất cao và tác xạ kéo dài đến hơn 2 giờ liền trên các hướng tấn công chính đã dập tắt sức kháng cự của cả pháo binh và bộ binh Đức, tạo điều kiện cho xe tăng và bộ binh Liên Xô mở các đột phá khẩu rộng và sâu hơn, nhanh chóng đánh vào trung tâm phòng ngự của các sư đoàn Đức, làm rối loạn việc chỉ huy của đối phương và chia cắt các sư đoàn Đức thành các cụm quân bị cô lập, không còn yểm hộ được cho nhau.[8] Không quân Liên Xô hầu như làm chủ vùng trời Krym đã hạn chế tối đa sự yểm hộ của không quân Đức đối với các hoạt động quân sự của lục quân Đức. Các sư đoàn không quân ném bom Liên Xô thực hiện các trận oanh tạc lớn vào các trung tâm phòng ngự mạnh của quân Đức tại Feodosiya, Eupatoria, Dzhankoy, Simferopol, Alushta và Sevastopol đẩy nhanh sự tan rã của quân Đức và Romania tại các trung tâm phòng ngự này.[19]

Ảnh hưởng

Sự thất bại của Tập đoàn quân 17 (Đức) tại Krym được tổng tham mưu trưởng Wehrmacht, tướng Kurt Zeitzler đánh giá là một thảm họa quân sự. Trong đó quân số thiệt mạng trên các chuyến tàu biển sơ tán lớn hơn cả thương vong trong chiến đấu. Số lượng tù binh Đức bị bắt cũng rất lớn. Cả Tập đoàn quân 17 chỉ còn vài nghìn quân và một số sĩ quan chỉ huy cao cấp di tản bằng các phương tiện trên biển và đường không thoát ra khỏi "con tàu Krym đang chìm dần". Đây là lần tiếp theo kể từ Trận Stalingrad, Quân đội Đức Quốc xã mất trọn một Tập đoàn quân. Cũng như việc tái lập Tập đoàn quân 6 với biệt danh "Đội quân phục thù", tháng 7 năm 1944, Tập đoàn quân 17 (Đức) được tái lập và bố trí vào Cụm tập đoàn quân Trung tâm.[31]

Thất bại của quân Đức tại Krym cũng làm cho ảnh hưởng của nước Đức Quốc xã tại khu vực Biển Đen nhanh chóng "tụt dốc". Thổ Nhĩ Kỳ thẳng thừng phản đối các hành động quân sự chống Liên Xô, tuyên bố cắt đứt quan hệ với nước Đức Quốc xã và trở lại vai trò trung lập. Chính quyền Romania xáo động và chia rẽ, họ tìm cách liên lạc với đồng minh Anh-Mỹ để ngăn cản quân đội Liên Xô tiến vào. Một số quan chức cao cấp trong chính quyền Bulgaria cũng tìm cách liên lạc với phong trào du kích để tìm kiếm sự ủng hộ trong việc thoát khỏi sự ràng buộc của nước Đức Quốc xã.

Chiếm lại Krym, Hải quân Liên Xô có một cụm căn cứ mạnh để hỗ trợ cho các chiến dịch của quân đội Liên Xô tại Romania và Bulgaria cũng như việc chuyển quân đội, vũ khí tiếp viện và hàng hóa bằng đường biển cho các hoạt động quân sự của họ trên bán đảo Balkan. Phân hạm đội Azov được giải phóng khỏi các nhiệm vụ ở Krym đã chuyển thành Giang đội Danube để chuẩn bị cho các hoạt động yểm trợ và vận tải đường thủy cho các chiến dịch của lục quân Liên Xô trên lãnh thổ Romania, Bulgaria, Nam Tư và Hungary trong giai đoạn cuối của cuộc chiến. Sau chiến dịch, Phương diện quân Ukraina 4 được giải thể để thành lập Phương diện quân Byelorrussia 2 (lần thứ hai). Tập đoàn quân độc lập Duyên Hải được giải thể và sau đó, bộ khung của nó lại được sử dụng để thành lập Phương diện quân Ukraina 4 (lần thứ 2) trên hướng Đông Carpath.

Kết thúc chiến dịch, hàng trăm đơn vị quân đoàn, sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và hàng nghìn sĩ quan, binh sĩ của Phương diện quân Ukraina 4 và Tập đoàn quân độc lập duyên hải được tặng thưởng các huân huy chương, được mang các danh hiệu Krym, Sevastopol, Simferopol, Eupatoria và Feodosiya.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Krym_(1944) http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://rus-sky.com/history/library/w/w091.htm#_Toc... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/7/7d... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/gorshkov_sg/07.html http://militera.lib.ru/h/grylev_an/04.html http://militera.lib.ru/h/litvin_smirnov/01.html http://militera.lib.ru/h/litvin_smirnov/04.html http://militera.lib.ru/h/litvin_smirnov/05.html http://militera.lib.ru/memo/russian/avdeev_mv3/04....